Danh sách bài viết theo chuyên mục
 

Giáo dục truyền thống cách mạng qua hoạt động trải nghiệm thực tế tại Chùa Bắc Mã

Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng qua các di tichhs lịch sử, chiều ngày 21/12/2017, trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh khối 7 trải nghiệm thực tế và học tập tại Chùa Bắc Mã – xã Bình Dương – thị xã Đông Triều.


          Tại đây, các em học sinh được nghe giới thiệu về Chùa Bắc Mã. Chùa Bắc Mã là một ngôi chùa cổ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa có diện tích trên ba mẫu đất. Theo các văn bia, văn tự Hán còn lưu trữ, lịch sử chùa đã trên dưới sáu trăm năm. Chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, khoảng cuối thế kỷ 14, sau đó được trùng tu nhiều lần. Năm 1926, chùa có một đợt trùng tu lớn và xây dựng lại quy mô hơn, thành một ngôi chùa rộng lớn, đẹp và rất linh thiêng. Một số hiện vật còn giữ lại được có nghệ thuật chạm khắc trên đá khá tinh xảo, mang dấu ấn nhiều triều đại như Trần, Lê, Nguyễn. Chạm khắc đá thể hiện nét điêu khắc thời Trần qua tượng con rồng được đặt ở bậc lên xuống. Bố cục rồng gọn, đường nét rất sinh động khoẻ khoắn, thân có hình tròn lẳn, mập mạp, múp dần về phía sau đuôi, uốn khúc nhẹ. Điêu khắc đá thời Hậu Lê được thể hiện rõ ở các bia đá với hình hai con rồng chầu mặt nhật, các nét chạm khắc mạch lạc, hai bên khung dọc theo thân bia là hoa lá mềm mại, mang tính cách điệu theo phong cách điêu khắc thời Lê.

          Trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa năm 1945, chùa Bắc Mã đã đóng vai trò quan trọng. Bởi đây là một ngôi chùa lớn, có uy tín trong vùng và lại nằm ở nơi có truyền thống cách mạng và trở thành căn cứ cách mạng của Mặt trận Việt Minh thời kỳ tiền khởi nghĩa và kéo dài suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, sư cụ Võ Giác Thuyên thường xuyên tiếp đón các vị sư cách mạng mang danh nhà sư để dễ hoạt động. Đó là những cán bộ cách mạng đã tuyên truyền vận động nông dân Đông Triều, thợ mỏ Mạo Khê và binh lính trong các đồn bốt của Pháp cùng tập hợp lại và trở thành nòng cốt lập nên chiến khu. Kết quả là cuộc khởi nghĩa ngày 8-6-1945 ở Đông Triều thắng lợi, lập nên Chiến khu Đông Triều. Ngôi chùa là địa điểm lịch sử trung tâm Chiến khu Đông Triều. Năm 1994, chùa đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia của Việt Nam

Học sinh khám phá những dấu tích tại tháp chuông

          Qua  nghe giới thiệu, trải nghiệm thực tế, trực tiếp nhìn thấy những hiện vật, tư liệu và hình ảnh trưng bày tại chùa như vũ khí, giáo mác, súng … đã giúp các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc, nhận thức đầy đủ về tinh thần chiến đấu anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước của các thế hệ cha, anh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của các em. Mặt khác, giúp các em sống tích cực, sống có lý tưởng, hoài bão và ý chí vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống, biết đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần "tương thân, tương ái".

          Em Trịnh Thị Phương Thảo - Học sinh lớp 7A cho biết: "Em cảm thấy hoạt động trải nghiệm thực tế này rất bổ ích giúp cho chúng em có cơ hội được tìm hiểu, khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa kiến trúc của di sản trên quê hương; tự cảm nhận ý thức, việc làm cụ thể để bảo tồn, phát huy và nâng cao giá trị di sản văn hóa đặc biệt ở Đông Triều. Em mong muốn nhà trường tiếp tục có nhiều hoạt động trải nghiệm để chúng em có thể tìm hiểu được tất cả di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là Khu di tích lịch sử nhà Trần, các làng nghề truyền thống... tại thị xã Đông Triều.

                                                                                                            Thu Phương


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu